Dịch thuật hay chê dịch thuật đều cần có ‘độ’

Đó là cái ngưỡng mà người dịch cần nắm được để không đi 'quá', còn người đọc, người phê bình cần biết cả khen chứ không chỉ có chê, theo dịch giả Lê Hồng Sâm.

Thời gian gần đây, dịch thuật trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt trong đời sống văn học khi hàng loạt tác phẩm dịch ngay khi phát hành đã hứng chịu không ít “búa rìu” của dư luận. Nhiều người bị cho là dịch sai, dịch quá sát nghĩa, dịch quá thoát văn bản hay thậm chí là dịch tục tĩu. Đối với nhiều độc giả có quan tâm, những đợt sóng tranh cãi dịch thuật này khiến họ hoang mang và trở nên hồ nghi cả nền dịch thuật văn chương từ trước tới nay. Về phía các dịch giả, họ ít nhiều cũng thể hiện sự áp lực và nản chí trên con đường vốn thầm lặng mà họ lựa chọn. Để rộng đường cả hai bên, sáng 8/5, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức tọa đàm “Dịch thuật trong thực tế xuất bản”, thu hút lượng khán giả đông ngoài mong đợi. Các dịch giả từ thế hệ lão thành như Lê Hồng Sâm, kế tiếp là nhà báo, dịch giả Trịnh Lữ, Phạm Xuân Nguyên, những dịch giả trẻ gồm Trần Lê Thùy Linh, Lương Việt Dũng, Đào Bạch Liên đã cùng bàn về sự chuyển tiếp công việc dịch thuật ở các thế hệ và nội hàm vấn đề chuyển dịch tác phẩm văn học.

Chừng mực, ranh giới của dịch thuật?

Dịch giả 84 tuổi Lê Hồng Sâm mở màn cuộc tọa đàm bằng những quan điểm mà bà cho là “riêng tư” nhưng được khá nhiều người đồng tình. Theo dịch giả kỳ cựu, dịch thuật là công việc “phục tùng một cách sáng tạo” - tức, trước hết phải chuyển tải được đúng nội dung, tinh thần của bản dịch và sau đó, phải mang đến cho bản dịch độ gần gũi với người đọc bản địa bằng năng lực của mình. Phục tùng đến đâu, sáng tạo đến đâu, đó chính là cái “độ”. Theo bà, cái "độ" đó nằm ở kiến thức, ở tấm lòng và một phần ở thói quen lựa chọn trong dịch thuật của dịch giả. Người dịch phải xác định cho mình một “độ” nhất định để vừa giữ được tinh thần của tác phẩm gốc mà vẫn giúp bản dịch không quá khó tiếp nhận đối với độc giả trong nước.

Dịch giả Lê Hồng Sâm chia sẻ, ở thế hệ của bà, việc dịch sai không tránh khỏi. Thừa nhận là có, nhưng bà cho rằng, lỗi đó rất ít vì đa phần các dịch giả đều giỏi, làm việc nghiêm túc và đều có cái “độ” trong dịch thuật. Lê Hồng Sâm là dịch giả chủ trì công trình dịch thuật bộ tiểu thuyết "Tấn trò đời" gồm 90 cuốn của Honoré de Balzac tại Việt Nam. Khi đó, bà phải hệ thống lại những tác phẩm của cả các tiền bối đã dịch. Trong cuốn “Miếng da lừa” của dịch giả Trọng Đức, cả cuốn sách dịch chỉ sót đúng một chữ - theo Lê Hồng Sâm - là chữ "mais blanche", nói về buổi lễ không có hoa, bánh thánh nhưng dịch giả Trọng Đức chỉ để là “lễ” và bà đã bổ sung là “lễ suông”. Ví dụ được bà đưa ra để chứng minh cho sự làm việc cẩn trọng, tài năng của các dịch giả thế hệ đi trước, khi mà nền dịch thuật chưa phát triển như hiện nay, phải mất rất nhiều năm để một cuốn sách dịch ra đời, đến với bạn đọc trong nước. Quán triệt về “độ” trong dịch thuật nhưng bà cũng cho rằng, cái “độ” đó có thể thay đổi theo thời gian, phù hợp với sự biến chuyển của ngôn ngữ và văn hóa. Ví dụ, người ta sẽ không thể nào sử dụng ngôn ngữ của mấy chục năm về trước để chuyển tải nội dung cho độc giả ngày nay, cũng như, việc dịch thẳng những cụm từ thô, tục - vốn tồn tại rõ rành rành trong bản gốc - hẳn khó chấp nhận trong thế hệ của bà.

Tiếp nối quan niệm về “độ” mà dịch giả Lê Hồng Sâm đưa ra, dịch giả Trịnh Lữ dẫn lại quan điểm của nhà phê bình George Steiner, cho rằng “dịch thuật là một nghệ thuật có tính chính xác”. Một khi nó là nghệ thuật, nó ắt mang dấu ấn sáng tạo của người dịch. Theo ông, trong văn học, khó tìm đâu một bản dịch đúng. Thay vì đó, ông đặt ra vấn đề dịch theo xu hướng bản xứ hóa hay mang những yếu tố ngoại lai trong tác phẩm tới người đọc nước mình. Theo dịch giả Trịnh Lữ, ở Mỹ, có một hiện tượng phổ biến, đó là người ta thường không quan trọng dịch đúng bao nhiêu mà quan trọng là khi những tác phẩm nước ngoài đến với họ, nó trở thành một “bản dịch tiếng Anh tiêu chuẩn” trong ngôn ngữ và văn hóa Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch giả tước bỏ mọi giá trị văn học bản địa của bản dịch, thay vào đó là một tác phẩm hoàn toàn mới, một sản phẩm được Mỹ hóa. Dịch giả Lương Việt Dũng, người hiếm hoi chuyển ngữ các tác phẩm văn học Nhật trực tiếp từ tiếng Nhật lại cho biết, ở xứ Phù Tang, người ta thường dịch theo xu hướng bản xứ hóa với những tác phẩm văn học, bằng việc thay đổi tên địa danh, nhân vật cho quen thuộc, giúp độc giả của họ có thể dễ dàng tiếp cận các tác phẩm văn học nước ngoài và điều này có hiệu quả, thể hiện ở lượng tiêu thụ những tác phẩm dịch theo phong cách này tại xứ mặt trời mọc.

Trịnh Lữ cho rằng, ở Việt Nam, trước đây cũng có xu hướng bản xứ hóa khi mọi tên riêng đều được dịch cho người Việt dễ đọc, dễ hiểu nhưng ngày nay, các dịch giả ngày càng chú trọng yếu tố ngoại lai của bản gốc dù không có quy định nào buộc phải thế. Theo ông, điều đó đáng mừng vì thể hiện chúng ta đang hướng đến một thứ ngôn ngữ chung - ngôn ngữ của nhân loại. |Trịnh Lữ cho rằng, việc giữ nguyên những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa trong tác phẩm gốc cũng góp phần làm phong phú thêm cho tiếng Việt.

Như vậy, "độ" của dịch thuật đến đâu, việc bản xứ hóa hay tôn trọng cái ngoại lai đến đâu, thì đều phụ thuộc vào người dịch và lựa chọn của họ. Dịch giả Đặng Thị Hạnh ngồi dưới khán phòng góp ý kiến, người dịch muốn độc giả dễ đọc hơn hay muốn chuyển tải được cái hồn của tác phẩm gốc là do họ quyết định, nhưng theo bà, nếu chấp nhận những yếu tố ngoại lai mà mang được cái hồn của tác phẩm khiến người đọc say mê thì điều đó vẫn nên làm hơn. Dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - MC của chương trình - nêu ra vấn đề được nhiều khán giả đồng tình: “Dịch là sự tiếp biến, thương lượng giữa các nền văn hóa”. Tất nhiên, để sự thương lượng này thỏa đáng nhất và mang lại bản dịch hay, chất lượng cho độc giả thì cần đến tâm, tài của người dịch.

"Phê bình dịch thuật yếu"

Trước hiện tượng dịch thuật liên tục được đặt lên bàn mổ xẻ, dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng, đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi số lượng sách dịch đã nhiều hơn thế hệ của bà cách đây mấy chục năm, có người đọc và người đọc cũng thực sự quan tâm tới văn học dịch, đồng thời độc giả ngày nay có kiến thức, ngoại ngữ để đưa ra những phát biểu của họ. Thế nhưng, bà đồng cảm với thế hệ dịch giả hiện nay khi "ít có sự thưởng thức thật sự mà chủ yếu tìm ra những chỗ sai để chê bai". Dịch giả kể, khi bà dịch tiêu đề một tác phẩm của Flaubert là “Một tấm lòng chất phác”, một nhà thơ - độc giả đã tìm đến bà để cảm ơn vì cái tên dịch. “Vì chị dịch là 'Một tấm lòng chất phác' chứ không phải 'Một trái tim nhân hậu' hay điều gì đó tương tự, và tôi thích nó, vì nó hay quá!". Bà nói điều đó khiến bà nhớ mãi và tự hào về công việc dịch thuật của mình. Vì thế, theo dịch giả Lê Hồng Sâm, để nền dịch thuật được phát triển, thay vì cố tìm những lỗi để bắt bẻ, hãy khích lệ người dịch.

Đa phần diễn giả cũng như cử tọa cho rằng, để thúc đẩy nền dịch thuật, đưa đến những bản dịch hay thì phê bình dịch thuật cần đẩy mạnh, trong khi đó là mảng yếu ở nước ta hiện nay. Về phía độc giả, phần lớn họ chỉ đưa ra những bình luận hay nhận xét mang tính cảm tính, rời rạc, lẻ tẻ. Trong khi đó, các nhà phê bình ít chú trọng tới tác phẩm dịch, và nếu có "phê" thì cũng ít dựa trên lý thuyết và thường chú trọng bắt lỗi hơn là nhìn nhận công sức của người dịch trong toàn tác phẩm. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, cần có những bài phê bình dựa trên nền tảng lý thuyết, trên phương diện mang tính xây dựng thì mới khích lệ được công việc này. Dịch giả lão thành Đặng Thị Hạnh cho rằng, chúng ta nên có cái nhìn tác phẩm trong toàn bộ tổng thể, không nên chỉ vì một vài tiểu tiết mà phủ nhận công sức dịch giả và người dịch cũng không nên quá hoang mang hoặc cực đoan hơn là quay lưng với bản dịch.

Trần Lê Thùy Linh - dịch giả trẻ, biên tập viên ban Anh của Công ty Nhã Nam - lại cho rằng, chất lượng một bản dịch hay hay dở, ngoài trách nhiệm của dịch giả và biên tập viên, cũng nên xét đến cách tiếp nhận của độc giả, bởi đối tượng đọc rất đa dạng, quan niệm và cách cảm nhận tác phẩm của mỗi người cũng rất khác nhau, nên không phải điều gì độc giả phê phán cũng là lỗi. Dịch giả Lương Việt Dũng cho rằng, thành công của tác phẩm dịch phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của độc giả, mà những người tham gia dịch thuật hiện nay cũng rất đa dạng, nhiều thành phần, nên rất cần sự độ lượng, chia sẻ từ các người đọc. Tuy nhiên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, dịch giả không cần người đọc “độ lượng”, mà họ phải công tâm. Ông đưa ra liên tưởng, đứa bé ngồi trong chậu nước, người ta thấy một giọt nước bẩn văng vào thế là lập tức hắt chậu nước và hắt luôn cả đứa bé - đó là điều cần tránh khi thẩm định tác phẩm văn học dịch. Người đọc cần có sự suy xét, cân nhắc chứ không nên phủ sạch những gì dịch giả đã cống hiến cho họ.



Dịch thuật - bài toán ba bên cùng giải

Chưa khi nào dịch thuật nở rộ như hiện nay. Trong bối cảnh đó, cơ hội nhiều hơn nhưng thách thức cũng lớn hơn - cho các dịch giả và cả các đơn vị làm sách. Biên tập viên của công ty Nhã Nam - Trần Lê Thùy Linh - cho biết, họ luôn cố gắng làm hết sức với quy trình chặt chẽ khi tiếp nhận một bản dịch. Ngày nay, thông thường, các nhà xuất bản tìm đầu sách và mời người dịch. Một bản dịch được lựa chọn là đã phải trải qua công đoạn sàng lọc từ nhiều bản dịch thử khác nhau và qua khâu biên tập, đối chiếu, tổng duyệt… rồi mới tới công chúng. Ngoài ra,  họ còn có khâu chỉnh sửa, bổ sung sau khi tiếp nhận ý kiến người đọc. Chị cũng như đa số dịch giả thừa nhận, chắc chắn dịch là có sai, nhưng họ sẵn sàng sửa sai nếu ý kiến phê bình là hợp lý.

Với tư cách biên tập viên, Trần Lê Thùy Linh cho biết, khi đọc một bản dịch, chị quan niệm đó là sản phẩm của dịch giả, mang cá tính của người dịch, chứ không thể là sản phẩm của mình. Vì vậy, khi làm việc, chị luôn tôn trọng lựa chọn của dịch giả, chỉ can thiệp về mặt từ ngữ chứ không can thiệp về văn phong. Thùy Linh cũng cho rằng, trong dịch thuật, vốn không có bản dịch nào là chuẩn mà chỉ có "một bản dịch" của tác phẩm gốc mà thôi.

Hẳn nhiên, độc giả ngày nay tinh khôn, có ngoại ngữ, không khó để họ có thể phát hiện ra những “vấn đề” nằm trong bản dịch hoặc kém chất lượng, hoặc trái với cách tiếp nhận thông thường của họ, đó cũng là thách thức để người dịch cần thêm sự cẩn thận, tấm lòng và sự trau dồi hơn cả về ngoại ngữ lẫn văn hóa ngoại lai để lựa chọn một lối dịch thuyết phục. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, văn học dịch Việt Nam có lẽ cần bước những bước chậm mà chắc để đạt chất lượng cao nhất, thỏa mãn những độc giả trình độ ngày càng cao, trước khi đẩy mạnh về số lượng, dù đó cũng là điều cần thiết. Người đọc, trong khi đó, cũng cần góp một trách nhiệm. Họ hẳn cần đến sự tinh tế, kiến thức và chính kiến cá nhân, thêm vào đó là một tấm lòng khi tiếp nhận những bản dịch để có thể cùng nhau xây dựng nền dịch thuật chứ không nên đọc kiểu "bát nước đổ đi".
Share on Google Plus

About Dịch thuật Á Châu

Blog chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật của Công ty dịch thuật Á Châu (A Chau Trans)
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.