Chiến lược 4 bước chuẩn quốc tế trong dịch thuật của CEO Ulytan

Theo ông Phạm Mạnh Tân, quy trình dịch thuật chuẩn quốc tế cần trải qua 4 bước gồm: phân tích tài liệu, dịch thuật, hiệu đính và kiểm soát.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan - Phạm Mạnh Tân cho rằng, ngành dịch thuật Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi nền kinh tế ngày càng mở rộng giao thương với các quốc gia thế giới.

Tuy nhiên, doanh thu của ngành và năng lực doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực còn chưa phát triển đúng tầm.

Theo vị này, tiềm năng doanh thu của dịch thuật Việt Nam trong khoảng 500 triệu USD đến một tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên thực tế hiện nay, con số chỉ dừng lại ở mức 100 triệu USD. Ngoài ra, thị phần ngành phần lớn nằm trong tay các doanh nghiệp “ngoại”.

Các công ty nước ngoài chiếm ưu thế là bởi họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình dịch quốc tế. Trong khi các đơn vị trong nước, việc thêm bớt nghĩa của câu chữ so với bản gốc lại diễn ra khá phổ biến.


Ngoài ra, thiếu đầu tư chuyên môn, hiểu biết hạn hẹp về văn hoá các quốc gia dẫn tới dịch sai, hoặc không truyền tải được tinh thần của ngôn ngữ gốc là điều các đơn vị dịch thuật nội địa hay mắc phải.

"Vì vậy, khách hàng lựa chọn đơn vị dịch thuật nước ngoài dù giá của họ cao so với các công ty dịch thuật Việt", CEO Ulytan chia sẻ.

Là một trong những người theo sát ngành dịch thuật từ những năm 2000, ông Tân cho rằng, vấn đề phần lớn nằm ở chiến lược phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Bởi chính ông cũng từng phá sản vì nhìn nhận thị trường chưa chuẩn xác khi bắt đầu khởi nghiệp.

Năm 2007, sau một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Nga, ông trở về Việt Nam thành lập công ty dịch thuật.

Ông cho biết, thời điểm đó, ông tự tin với kinh nghiệm thương trường và dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt đông, công ty liên tục rơi vào tình trạng bù lỗ. Một năm sau, doanh nghiệp phá sản.

“Tôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào trang thiết bị nhưng không chú trọng chất lượng - vấn đề cốt lõi của ngành. Sản phẩm dịch thuật khá đặc thù, nếu bạn dịch sai hậu quả rất nghiêm trọng. Nó có thể phá vỡ một hợp đồng kinh tế giá trị nhiều tỷ đồng, khách hàng có thể bị từ chối visa chỉ vì lỗi dịch thuật…”, ông Tân chia sẻ.

Sản phẩm của ngành yêu cầu độ chính xác cao. Ngoài chuyển tải ngôn ngữ gốc sang dạng ngôn ngữ mới, còn liên quan đến văn hóa tại mỗi quốc gia. Vì vậy, nếu đơn vị dịch thuật không có chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng về đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá gốc thì khó có được bản dịch chính xác.

Từ thất bại, CEO trẻ tuổi rút kinh nghiệm và bắt tay gây dựng lại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan. Ông tập trung 100% về chất lượng dịch thuật. Phần lớn lợi nhuận thu được lãnh đạo công ty dùng để mời các chuyên gia đầu ngành và người bản địa về đào tạo và kiểm soát chất lượng.

Theo ông Tân, quy trình dịch thuật chuẩn quốc tế cần trải qua 4 bước, gồm: phân tích tài liệu, dịch thuật, hiệu đính và kiểm tra, kiểm soát.

Thứ nhất, khi tiến hành dịch thuật, bộ phận phân loại sẽ phân loại các tài liệu, hồ sơ về từng khu vực cụ thể. Kèm theo đó là ghi chú những đề nghị của khách hàng để lên kế hoạch cụ thể về thời hạn.

Thứ hai, để đảm bảo về tiến độ thời gian công đoạn dịch thuật sẽ không do một người đảm nhận mà giao cho một số nhóm. Điều này phụ thuộc vào độ dài của văn bản, thời gian khách hàng đưa ra.

Thứ ba, sau khi dịch thuật hoàn chỉnh, các chuyên viên hiệu đính sẽ tổng hợp, rà soát lại các lỗi sai sau đó chỉnh sửa lại. Do mỗi nhóm dịch có những văn phong khác nhau, người hiệu đính phải có trách nhiệm đưa về chung một văn phong sát với văn bản gốc nhất.

Và cuối cùng, các giáo sư, người bản địa sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng. Từ đó phát hiện, khắc phục những sơ sót và chỉnh sửa trước khi bàn giao lại cho khách hàng bản hoàn thiện.

Do quy trình dịch rất khắt khe, nên thực tế, rất ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ 4 bước hoặc họ lược bớt các khâu để tối giản chi phí.

Mới đây, vấn đề đầu tư chất lượng trong dịch thuật tại Ulytan đã được ông Tân chia sẻ trong chương trình "CEO - Chìa khoá thành công" trên VTV1.

Các chuyên gia đánh giá, sau 10 năm đầu tư vào chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín thương hiệu, Ulytan dần khẳng định vị thế trên thị trường. Nếu các doanh nghiệp dịch thuật nội địa đều có sự thay đổi tư duy thì ngành dịch thuật Việt Nam sẽ dần lấy lại được thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại.

Nguồn: Vnexpress.net

Share on Google Plus

About Dịch thuật Á Châu

Blog chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật của Công ty dịch thuật Á Châu (A Chau Trans)
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.